Trang Thời Sự


Cách Mạng Tự Do Dân Chủ
chưa xảy ra tại Tàu và Việt Nam, lỗi tại ai?

Tác giả: Chu Chi Nam
Thể loại: Thời sự

 

      Có người cho rằng cách mạng tự do, dân chủ, nhân quyền chưa xẩy ra tại Tàu và Việt Nam là lỗi tại dân trí thấp. Có phải thế không ?
    Thật ra quan niệm này không phải là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, nó có tính cách quá tổng quát, vơ đũa cả nắm, đổ lỗi cho mọi người, để chạy tội cho một số người, nhất là giới lãnh đạo và giai tầng sỹ phu, trí thức.
    Cách mạng tự do, dân chủ, nhân quyền chưa xẩy ra ở Tàu và Việt Nam lỗi chính là tại chế độ quân chủ phong kiến quá kéo dài, biến giai tầng sỹ phu trí thức thành những quan lại, công chức, chỉ có đầu óc học để có bằng cấp, phục vụ triều đình, yên thân, phì gia, đầu óc trên đội, dưới đạp, sống xa rời dân, trọng cái học từ chương, không thực dụng, biến sĩ phu trí thức thành kẻ trên thì đội triều đình, đội chính quyền, dưới thì đạp dân, làm cho nền văn minh Đông phương ; mặc dầu xuất hiện rất sớm, sau bị khựng lại, trở nên tụt hậu so với Tây phương.

  I ) Chế độ quân chủ phong kiến kéo dài quá lâu ở Tàu và Việt Nam, ngay cho tới ngày hôm nay, vì chế độ cộng sản cũng chỉ là một chế độ quân chủ trá hình.
   1) Chế độ phong kiến quá kéo dài

     Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử thế giới, thì chúng ta thấy văn minh đông phương, đặc biệt là văn minh Tàu, Ả rập xuất hiện rất sớm : phát minh ra địa bàn, thuốc súng, chữ viết, giấy, máy in v.v… ; rồi bị khựng lại. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao ?
   - Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính : Đó là chế độ quân chủ độc tài phong kiến kéo dài quá lâu, cho tới ngày hôm nay, tại những nước Ả rập, còn tại Việt Nam và Trung cộng, thì chế độ cộng sản cũng chỉ là một chế độ quân chủ độc tài phong kiến trá hình.
       Thật vậy, tại Tàu, có thể nói chế độ quân chủ phong kiến bắt đầu từ thế kỷ thứ 12 trước tây lịch, đúng ra là vào năm -1122. Chế độ này vẫn kéo dài cho tới ngày hôm nay ; mặc dầu nó đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc đầu là chế độ quân chủ độc tài tản quyền, sau đó là chế độ tập quyền.
       Mô hình tổ chức nhân xã quân chủ độc tài là mô hình tương xứng với nền văn minh định cư nông nghiệp.
       Ở đây, trong khuôn khổ bài này, chúng ta không thể đi sâu vào lịch sử chính trị, văn hóa, văn minh Tàu. Nhưng người ta có thể nói và nhiều sử gia đều đồng ý rằng thời đại huy hoàng, có nhiều tư tưởng, trường phái nhất của Tàu là thời Xuân Thu-Chiến quốc, với Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử, Hàn Phi Tử v..v…Đây là thời cuối của thời quân chủ phong kiến tản quyền. Chính nhờ phong kiến tản quyển, nên có nhiều quốc gia ; và từ đó nước Tàu vào thời đó có tương đối tự do, một người bất đồng chính kiến hay bị trù dập bởi ông vua và triều đình của nước mình, có thể sang sống và phù trợ ông vua khác. Điển hình là Bách lý Hề, bỏ nước Ngu, sang phò trợ nước Tần và có thể nói là người có công chính đầu tiên trong việc làm hưng khởi nước Tần, rồi được tiếp nối bởi nhiều người khác sau này.
       Nếu nhìn về vấn đề văn minh, thì người ta có thể nói thời Xuân thu-Chiến quốc là thời mà nước Tàu đã có những ý định chuyển từ thời văn minh định cư nông nghiệp với mô hình tổ chức nhân xã quân chủ sang thời kỳ văn minh thương mại qua 2 nước tiêu biểu là nước Tề với  Quản di Ngô ; nước Tần với Lã bất Vi.
       Nước Tề, thời Tề hoàn Công, đã biết dùng Quản Trọng, biết thu phục nhân tài, tu chỉnh việc võ bị ; nhất là biết chú tâm đến việc thương mại để làm giàu quốc gia, theo đúng câu «  Phi thương bất phú », biết khai thác mỏ, lấy nước biển làm muối, đúc tiền để tiện việc buôn bán, trao đổi ; nên nước Tề đã trở nên hùng mạnh. Chỉ tiếc là sau khi Quản di Ngô chết, thì những công việc của ông không được tiếp nối.
       Nước Tần có Lữ bất Vi, theo Đông Châu Liệt Quốc, mặc dầu là một quyển chuyện lịch sử, nhưng nó cũng dựa vào một phần lớn sử thật, thì Lữ bất Vi, về nhà hỏi bố « Cày ruộng lợi gấp mấy?-Lợi gấp mười. Buôn châu ngọc lợi gấp mấy?-Lợi gấp trăm.Nếu giúp cho một người được lên làm vua, thống trị sơn hà, thì lợi gấp mấy? -lợi muôn vàn ». Câu chuyện trên chứng tỏ Lữ bất Vi là người trọng thương, và đã làm tướng quốc lâu năm cho nước Tần. Nước Tần lớn mạnh được, đi chinh phục những nước khác, một phần cũng là nhờ Lữ bất Vi. Nhưng tinh thần trọng thương này của Lữ bất Vi, sau bị giai tầng quí tộc, tiêu biểu chính là Tần thủy Hoàng, hợp tác với giai tầng sĩ phu, tiêu biểu là Lý Tư, mặc dầu Lý Tư chủ trương phần Nho khanh thư, chôn học trò, đốt sách, nhưng là chôn những người theo Nho học và sách Nho ; nhưng Lý Tư tiêu biểu cho giai tầng sĩ phu theo trường phái pháp gia, cũng là sĩ phu vậy. Đó chính là một trong những lý do chính làm cho Lữ bất Vi mất chức Thủ tướng của nước Tần lúc bấy giờ.
       Sau khi Tần thủy Hoàng thống nhất, nước Tàu bước từ thời quân chủ phong kiến tản quyền, sang quân chủ phong kiến tập quyền. Quân chủ phong kiến tản quyền ; mặc dầu có nhiều quốc gia, có đôi lúc chiến tranh giữa nước này với nước khác ; nhưng lại có tương đối tự do nhất là đối với giai tầng sỹ phu, nếu bị trù dập ở nước này, thì còn có thể sang lánh thân và phù trợ nước khác, điển hình là Ngũ tử Tư, bị trù dập ở nước Sở, sau sang nước Ngô, và đã giúp vua Ngô hạp Lư đánh nước Sở, trả thù cho mình. Quân chủ tập quyền là một thứ quân chủ độc tài cực quyền ; nó khởi sự bằng Tần thủy Hoàng và được tăng cường bởi nhà Hán.
       Ông vua nhà Hán làm tăng cường thứ quân chủ này, đã biến giai tầng sỹ phu trí thức thành những người quan lại, có đầu óc trên thì phục vụ triều đình, dưới thì đạp dân, chính là Hán Vũ Đế ( 140- 83 trướcTây Lịch).
     Thật vậy Hán Vũ Đế đã họp 50 người bác sỹ, đứng đầu là Đổng trọng Thư, được coi như 50 người sỹ phu bác học lúc bấy giờ tại triều đình, bàn về đường hướng triết học của xã hội, rõ hơn là bàn về «  Danh thực », Nhân Nghĩa « , « Nghĩa và lợỉ « , và bàn về trật tự : «  Sĩ nông công thương », nên tiếp tục trật tự này hay nên thay đổi, cho thương vai trò quan trọng. Quyết định quan trọng là vẫn giữ trật tự xã hội cũ.  Chính Đổng trọng Thư viết về «  Nghĩa và Lợỉ » : «  Trời sinh ra người đã phú cho cái tính, tuy chưa là thiện nhưng đã có cái mối ưa điều nghĩa. Ông nói cái tính của người ta sao chẳng ưa điều nghĩa, song không làm được điều nghĩa là tại cái lợi làm hỏng đi vậy. Cho nên quân tử suốt ngày không nói đến điều lợi. » ( Theo Thanh Ngữ- Điển Tích của Trịnh văn Thanh, trang 312). Từ đó, có quyết định là lập những nhà học cả hàng ngàn dãy, qui tụ sỹ tử ở mọi nơi về học, với mục đích là tạo ra những quan lại chỉ biết chú trọng từ chương xa lià thực dụng, có đầu óc trên đội, dưới đạp, để trung thành và tận tụy với triều đình. Chỉ cần 3 đời sau, đến đời vua Hán Thành đế, số bác sỹ từ 50 đã lên tới 3 000. Tuy nhiên cái học của Tàu đã trở nên cái học từ chương là từ đó. Sỹ tử không được «  Phạm húy, đó là đội triều đình ; nhưng nếu không phạm húy và đậu thì được làm quan, vinh thần, phì gia, coi thường dân. Nên Việt Nam ta có câu : «  Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. »
      Cái học từ chương, thiếu thực dụng, chỉ vì bằng cấp để ra làm quan ở bên Tàu và ngay ở Việt Nam còn kéo dài cho tới ngày hôm nay với chế độ cộng sản ; mặc dầu ở bên Tàu có những người đã phản đối, tiêu biểu là Vương Dương Minh, ( 1472-1528), đời nhà Minh ( 1368-1628), ở Việt Nam có Chu văn An, đời nhà Trần  (1225-1400).
 2) Chế độ cộng sản chỉ là chế độ quân chủ phong kiến trá hình
      Không cần đi vào chi tiết (1), chúng ta chỉ cần nhìn những chế độ cộng sản còn xót lại, với cha quyền con nối ở Bắc Hàn, anh truyền em nối ở Cu Ba, còn ở Việt Nam và Trung Cộng, thì chúng ta chỉ nhìn vào danh sách những ông trong Trung ương đảng và Bộ Chính trị, chúng ta thấy đều là con ông cháu cha. Quan niệm tôn thờ lãnh tụ, tôn thờ  đảng, « Đảng và lãnh tụ  không bao giờ lầm » cũng chỉ là quan niệm «  Vua là thiên tử « , được nối dài.
    Giới trí thức và báo chí Tây phương đã gọi những lãnh tụ cộng sản Trung Cộng, bắt đầu bằng Mao trạch Đông là «  Hoàng đế đỏ « , chỉ ba chữ này đã nói lên đầy đủ tính chất quân chủ phong kiến của chế độ cộng sản.

   I I ) Giai tầng sỹ phu trí thức không làm tròn trách vụ của mình, quá hèn nhát và ích kỷ.
        Không ai chối cãi là văn minh Đông phương phát triển rất sớm ; nhưng bị khựng lại, vì nhiều lý do, trong đó có 2 lý do chính : đó là chế độ quân chủ kéo dài quá lâu, đã là lực kìm hãm sức bật của người dân ; giai tầng sĩ phu trí thức đã tự hủ hóa, biến mình thành một người công chức, chỉ biết phục vụ triều đình. Gần đây ông Tiền kỳ Minh, con ông Tiền kỳ Thâm, cựu Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Cộng, ông Minh trong thời gian du học ở Hoa Kỳ, có viết quyển sách Mặt trời chiếu nhiều ở Đông phương hay ở Tây phương ; theo ông sự kiện mặt trời chiếu nhiều ở Đông phương hay Tây phương không quan trọng ; mà chính là những chế độ quân chủ kéo dài quá lâu ở Đông phương, tự cho mình là nắm giữ chân lý, thêm vào đó lại có chính sách trù dập những nhà trí thức , kiểu Mao trạch Đông tuyên bố : «  Trí thức không bằng cục phân « , làm cho văn minh Đông phương khựng lại.
      Nếu chúng quan niệm như một số nhà kinh tế, nhân chủng và sử học, theo đó nhân loại trải qua năm nền văn minh : văn minh trẩy hái lúc ban đầu ; sau đó là văn minh du mục, con người phải đi xa để kiếm ăn ; nhưng dù đi xa, cây quả, thú vật để săn bắn cũng khan hiếm ; con người bắt buộc trồng trọt, và nuôi xúc vật ; con người bước sang nền văn minh định cư nông nghiệp. Với nền văn minh này, con người đã thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của mình ; và một khi những nhu cầu này được thỏa mãn, con người nghĩ đến nhu cầu xa xỉ, nó bắt đầu trao đổi, như khi nó dệt vải được để mặc ; nhưng nó thích mặc lụa, thì nó trao đổi với người dệt lụa. Con đường Tơ lụa nối liền Đông Tây là vậy. Con người bước sang nền văn minh thứ tư, đó là nền văn minh thương mại. Với nền văn minh này, con người đã phát minh ra máy hơi nước, máy nổ, điện, điện thoại, máy điện toán. Với điện thoại, máy điện toán, con người không cần phải đi xa để trao đổi, nó bước sang nền văn minh thứ năm ngày hôm nay là nền văn minh tri thức điện toán.
      Đông phương, trong đó có Tàu và Việt Nam, cũng như những nước Ả Rập, đã văn minh rất sớm. Chúng ta nên nhớ chữ La tinh, với mẫu chữ a, b, c mà người Tây phương đang dùng là phát minh của người Ả rập, ngay cả toán học, algèbre, số Pi là do họ phát minh. Nhưng văn minh Đông phương bị khựng lại là vì chế độ quân chủ độc tài kéo dài quá lâu ; là vì giai tầng sĩ phu trí thức không đóng đúng được vai trò của mình, thay vì phục vụ dân, thì chỉ phục vụ gia đình, bản thân và triều đình, chính quyền. Đây là điều mà giới trí thức và giới lãnh đạo đương thời Đông phương nên ý thức rõ.
     Ngày nào còn chế độ quân chủ độc tài dưới hình thức nào chăng nữa ; ngày nào mà giới trí thức chỉ biết phục vụ quan quyền, như 700 tờ báo và 200 đài phát thanh ở Việt Nam ; ngày nào cuộc cách mạng dân chủ, nhân quyền chưa xẩy ra ; ngày đó Đông phương nói chung, Việt Nam nói riêng, còn chậm tiến, chưa thể nào theo kịp Tây phương .
                                     Chu chi Nam